3.1.06

HÒA BÌNH 6 ! CHÀO MỪNG & ƯỚC VỌNG

TRẦN XUÂN AN

Ý NGHĨA VĂN HÓA, GỒM CẢ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ,
TRONG ĐỀ XUẤT ĐỔI MỚI VỀ DƯƠNG LỊCH (LỊCH CHÚA)


1

Ngày tháng cứ tuần tự trôi qua. Không có gì buồn tẻ cho bằng khi thử lắng nghe tiếng tích tắc đều đặn, không đổi khác của đồng hồ. Mỗi người, mỗi gia đình chỉ thật sự lưu tâm đến những phút giây, những ngày tháng đáng nhớ hoặc không thể quên, không nên quên, không dám quên. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc với những dấu mốc lịch sử hào hùng, bi thảm riêng, với những lễ tiết theo phong tục riêng cũng vậy.
... Ngày đầu tiên bước sang năm thứ 6 công nguyên mới, công nguyên của ước vọng hòa bình, làm sao không ngẫm nghĩ về tiếng thời gian; và đáng suy tư nhất vẫn là những tờ lịch ghi ngày tháng! ...
Giờ khắc, phút giây đã có đồng hồ đo đếm. Từ các loại đồng hồ cổ xưa được làm bằng bình đựng nước hoặc cát, và báo giờ, báo canh bằng tiếng trống, tiếng chuông ở thành thị, làng quê, hoặc bằng thẻ tre, thẻ gỗ, thẻ ngà ở các công sở, dần dần loài người đã có đồng hồ lên dây cót, dây thiều, rồi đồng hồ tự động dạ quang, cho đến đồng hồ điện tử có đổ chuông…
Lịch cũng vậy. Trong lịch sử đã có nhiều loại lịch, tùy theo khu vực văn hóa, địa lí nhân văn.
Ở nước ta, riêng về lịch, ít ra cũng đã có đến bốn loại lịch thành văn. Đó là lịch của người Việt Kinh, lịch Việt Thái (người Thái Việt Nam), lịch Việt Chăm (người Chăm Việt Nam) và lịch của các cố đạo Thiên Chúa giáo thực dân. Hiện nay, phổ biến trong toàn xã hội vẫn là hai loại lịch:
- Âm lịch, còn gọi là lịch mặt trăng. Mặc dù từ “nguyệt lịch” ít được dùng, nhưng trăng (nguyệt) là biểu tượng phổ biến, đặc trưng nhất của ý niệm âm (trong khái niệm âm – dương). Nguyệt lịch tính theo sự vận hành của mặt trăng, lấy đêm rằm, đêm trăng tròn nhất, làm chuẩn, phối hợp với việc lấy thời tiết, chu kì rụng lá, đâm chồi nẩy lộc của cây cỏ, lấy thời vụ mùa màng làm căn cứ. Có thể xem hình dáng trăng, giờ trăng mọc để biết ngày tháng; có thể nhìn cây cỏ để biết từng mùa trong bốn mùa mỗi năm.
- Dương lịch, còn gọi là Tây lịch, lịch mặt trời (dương: mặt trời). Chữ “nhật” trong từ ghép “nhật lịch” lại mang một ý nghĩa khác: ngày. Nhật lịch là sổ ghi chép sự việc xảy ra từng ngày. Dương lịch là lịch tính theo sự vận hành của mặt trời. Hạn chế của loại lịch này thoạt nhìn là rất rõ, nếu so với lịch mặt trăng. Bởi về đại thể, hầu như mặt trời ngày nào cũng như ngày nào, luôn luôn là một khối lửa tròn vo (1), không khuyết rồi tròn, tròn rồi lại khuyết như mặt trăng, vốn theo một chu kì khá nhất định, do đó, với lịch mặt trời, rất khó biết hôm nào là đầu tháng, hôm nào là giữa tháng. Và xét về phương diện mùa màng, thời tiết ở nước ta và các nước trong khu vực, rõ ràng là sái trật, nếu tính theo Tây lịch. Tất nhiên lịch mặt trời có một ưu điểm là dễ tính toán hơn, vì không có tháng nhuận. Lịch mặt trăng, có năm dôi lên một tháng, thành 13 tháng. Lịch mặt trời luôn luôn là 12 tháng.
Nói cho thật chính xác và đầy đủ, sự phân tích từng loại lịch và so sánh giữa hai loại lịch chủ yếu được người Việt sử dụng phổ biến hiện nay, phải cần đến một quá trình nghiên cứu thấu đáo; và để trình bày cho thật cặn kẽ, khoa học, dĩ nhiên không đơn giản như vậy. Nhưng về đại thể, những dòng ngắn gọn như vậy là không thể sai lầm.
Bài báo nhỏ viết ngay trong ngày đầu năm dương lịch 2006 này chỉ đưa ra một nhận định sơ khởi, nhằm đề xuất một ý kiến nhỏ: Nên chăng suy ngẫm thêm đôi chút về loại lịch phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có nước ta.

2

Thực sự những dãy số chỉ năm như 2006 và hai cụm từ: “trước công nguyên Tây lịch (công nguyên Jésus Christ)” (2) và “sau công nguyên Tây lịch (như trên)” là sản phẩm của quá trình thực dân, bành trướng và đầy tính chất áp đặt của Thiên Chúa giáo trong sự liên minh ma quỷ với chủ nghĩa thực dân của các nước Phương Tây, trên toàn thế giới.
Nhưng ở Việt Nam, dương lịch hay Tây lịch còn có một dấu vết “tả đạo” chưa được tẩy rửa, khi so sánh với loại lịch ấy ngay tại các nước thực dân vốn chi phối và áp đặt ảnh hưởng nặng nhất vào Việt Nam.
Mỗi tháng dương lịch được chia làm 4 tuần; tuần gọi là tuần lễ. Mỗi tuần lễ có 7 ngày. Ngày đầu tuần, theo đầu óc Thiên Chúa giáo, chính là ngày “Chúa nhật” (3). Đó là ngày con chiên phải “kiêng việc xác” (không lao động), phải đi đến giáo đường để dự lễ mi-sa, và hầu hết đều phải chịu phép bí tích rước lễ (“ăn” bánh thánh). Ngày kế tiếp là thứ hai, và tuần tự cho đến ngày cuối tuần là thứ bảy.
Người Việt Nam vốn rất ác cảm với Thiên Chúa giáo. Đó là một phản ứng tâm lí chính đáng. (Và không phải vì ác cảm mà thiếu khách quan). Bất kì nhà nghiên cứu sử học nào, cho dù là người ngoại quốc hay người Việt, với các chính kiến khác nhau, cũng đều thừa nhận sự thật đó với tính chính đáng (lẫn tính khách quan) của nó. Chính sự ác cảm tất nhiên ấy, dưới chế độ thực dân và “tả đạo” thống trị, đại đa số người Việt chân chính đã gọi trại đi, hay chính xác hơn, là đã dùng một âm khác của chữ “Chúa”, để biến ngày “Chúa nhật” thành “chủ nhật” . “Chúa” hay “chủ”, nếu viết theo chữ Hán, thì cùng một chữ. Tuy nhiên, chữ “chủ” thường được dùng với một nét nghĩa mà khi đọc với âm “chúa” thì nét nghĩa ấy không còn nữa. Chẳng hạn, không ai nói là Chủ Jésus cả, mà chỉ nói là Chúa Jésus, mặc dù ai cũng biết: Chủ tể = chúa tể (chúa có nghĩa là vua chúa).
Chủ là chúa, chúa là chủ! Nhưng, trong các từ ghép “chủ kiến”, “chủ thể”, “chủ quan”, lại có nghĩa là “tự mình” hoặc phản nghĩa với “khách”, như “khách thể”, “khách quan”; trong từ “chủ đạo”, “chủ” vẫn ẩn nét nghĩa căn bản là “làm chủ”…Trong cụm từ “con bài chủ”, “chủ” có nghĩa là “chính”, phản nghĩa với “phụ”; trong tiếng Hán Việt thông dụng, chẳng hạn ở câu, “Chúng chỉ chủ vào việc vơ vét tiền bạc, tài nguyên”, “chủ” có nghĩa là “cốt” (cốt yếu, chủ yếu)…
Như vậy, “chủ nhật” có thể hiểu là ngày tự mình hoặc là ngày chính.
Phải chăng như thế là khiên cưỡng, cố “ép” nghĩa, do hoàn cảnh bị thực dân, tả đạo và tay sai thống trị?
Nhưng dẫu sao, không nói, hoặc không đọc, và không viết bằng chữ quốc ngữ là “Chúa nhật”, mà thay bằng “chủ nhật” , thì thực dân, “tả đạo” cũng không bắt bẻ được.
Sự khiên cưỡng, “ép” nghĩa nào cũng oái oăm, có phần trái khoáy. Nếu theo số thứ tự mà tính, đúng là “chủ nhật” là ngày chính (ngày thứ nhất), vì ngày kế tiếp là ngày thứ hai. Tuy nhiên, ai cũng hiểu và đinh ninh thừa nhận đó là ngày cuối tuần (weekend)!
Rõ ràng là có một tình trạng “không ổn”, một “bệnh trạng kì quặc” trong ý thức và nếp sống!
Đành rằng, xem ngày được nghỉ ở nhà là ngày tự mình làm chủ, ngày chính trong một tuần, là một thái độ văn hóa và đồng thời là một thái độ chính trị dưới chế độ áp bức. Sống dưới chế độ áp bức bởi thực dân, tả đạo và phong kiến tay sai, nhân dân mới xem ngày đi ra với cơ quan công quyền, trường học, nói chung là ra với xã hội là những ngày thứ yếu, “kiếm cơm”, “phải đạo”, còn ngày được nghỉ ngơi, ở nhà là ngày chủ yếu, quan trọng nhất.
Lạ một điều là cả ở Miền Bắc, từ “chủ nhật” vẫn nghiễm nhiên tồn tại cùng với tên gọi các ngày trong một tuần, y hệt như dưới thời thực dân, tả đạo thống trị! Đây là một tàn dư chưa thanh toán hết hay là một sự vong thân, tha hóa chưa tự phản tỉnh…
Không nghi ngờ gì nữa, dương lịch, với tên gọi các ngày trong tuần như thế chỉ là “sản phẩm” áp đặt của các cố đạo Thiên Chúa giáo thực dân và bởi thực dân viễn chinh “tả đạo”, đã bị biến nghĩa, “khúc xạ” theo cách của đại đa số nhân dân của dân tộc ta dưới ách nô lệ. Thứ tàn dư ấy ở Việt Nam lại đặc biệt nặng nề, nếu so sánh với Pháp và Anh, Mỹ.
Pháp, Anh, trước khi trở thành lực lượng xâm lược Á – Phi – Mỹ la-tinh, đều là nạn nhân bị xâm thực của đế quốc La Mã – Thiên Chúa giáo thời cổ – trung đại (Anh giáo, Tin Lành cũng chỉ là hai dạng biến thể của Thiên Chúa giáo La Mã, chống lại Vatican trong “vòng kim cô Kinh Thánh” của nó). Mỹ là thuộc địa của Anh thời cận đại. Nhưng trong tiếng Anh cổ – trung đại và tiếng Anh ngày nay (kể từ ngày có dương lịch theo Grégori (4)), kể cả tiếng Mỹ hiện đại, vẫn gọi ngày thứ nhất trong tuần là “sunday” (ngày mặt trời) (5), chứ không gọi là “God-day” (God’s day, Lord’s day). Trong tiếng Pháp, là “dimanche” (6), không có từ tố nào là “chúa” (dieu) cả. Nga cũng trong trường hợp tương tự, mặc dù Chính thống giáo chi phối ảnh hưởng trước 1917 rất sâu rộng (Chính thống giáo là một nhánh Thiên Chúa giáo La Mã, chống lại Vatican).
Như vậy, ngày thứ nhất trong tuần của Pháp, Anh (gồm cả Mỹ)… cũng không phải là ngày của Chúa, vì Chúa, với Chúa.
Với Việt Nam, chỉ có thể kết luận như trên: Vai trò thực dân cố đạo Thiên Chúa giáo và tướng tá thực dân Pháp, vốn là tín đồ Thiên Chúa giáo, đã áp đặt “thần quyền Thiên Chúa giáo” vào thuộc địa và bán thuộc địa; sự áp đặt ấy là rất nặng nề.
Dẫu sao thực trạng về dương lịch, chính xác là lịch Grégory, trên thế giới, kể cả các nước Hồi giáo, và ở nước ta, là như thế.
Do đó, chúng ta không thể không suy nghĩ và chọn lọc.

3

Nên chăng, bên cạnh việc phải duy trì, cải tiến âm lịch (nguyệt lịch) vốn có (lịch ta khác với lịch Trung Quốc), trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo quy luật thời tiết đặc thù của nước ta, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng dương lịch trong hệ thống hành chính, trường học, y tế và trên tất cả mọi lĩnh vực, kể cả trên từng lá thư, trang nhật kí riêng tư nhất, như bao năm nay?
Thật là vô lí và không thể nói là sáng suốt, thông minh và thật sự tự do, độc lập được, nếu không gột rửa dấu vết thực dân “tả đạo”.
Cụ thể hơn, nên chăng mạnh dạn và dứt khoát đổi mới:
Thay vì tiếp tục “công nguyên Jésus Christ”, ta nên gọi năm 2000 là khởi đầu của công nguyên Hòa Bình: 2001 là năm thứ nhất công nguyên Hòa Bình, nói gọn là Hòa Bình 1, viết tắt là HB1; và cứ tuần tự như thế: HB1, HB2, HB3 ….
Sở dĩ chúng ta còn phải dính dấp vào con số của công nguyên Tây lịch là bởi không thể đơn phương quy định lịch pháp trong giao dịch quốc tế được. Muốn thay cũ đổi mới triệt để, cần phải có vai trò Liên Hiệp quốc, để có thể nhất loạt đổi mới trên toàn thế giới.
Đó là về năm.
Về tháng, cũng không có gì phải thay đổi. Một năm mười hai tháng, tên của từng tháng chỉ là số thứ tự từ 1 đến 12 (thường là gọi tháng 1 là tháng giêng, tháng 12 là tháng chạp như lịch ta). Mặc dù tên gọi tháng của từng nước là khác nhau (tương tự như tên gọi thứ trong tuần), nhưng đều thống nhất ở 12 số thứ tự từ 1 đến 12.
Chỉ còn một “vấn nạn” về tên gọi 7 ngày trong mỗi tuần. Gọi là “vấn nạn”, xem ra to tát quá. Thực chất đây chỉ là một sự thay đổi không “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, chỉ riêng trong phạm vi nước ta mà thôi.
Trên thế giới, khi giao dịch quốc tế, hầu như không nước nào quan tâm đến tên gọi thứ của ngày trong mỗi tuần vì tên gọi ấy mỗi nước mỗi khác (dimanche… trong tiếng Pháp; sunday… trong tiếng Anh…).
Do đó, ta nên mạnh dạn và dứt khoát gột rửa tàn dư thực dân, tả đạo, và gột rửa tính chất tiêu cực cả trong thái độ văn hóa, gồm văn hóa chính trị của chính chúng ta, biểu hiện ở tên gọi 7 ngày trong tuần:
Thứ hai => thứ nhất (monday)
Thứ ba => thứ hai (tuesday)
Thứ tư => thứ ba (wednesday)
Thứ năm => thứ tư (thursday)
Thứ sáu => thứ năm (friday)
Thứ bảy => thứ sáu (saturday)
Chủ nhật => thứ bảy (sunday / weekend)
Như vậy, ngày hôm nay, “Chủ nhật, ngày 01 tháng 01 năm 2006” , sẽ được viết là “Thứ bảy, ngày 01 tháng 01 năm HB6” . HB6 là năm thứ sáu công nguyên Hòa Bình (công nguyên Jésus Christ xem như đã thật sự chấm dứt cách đây 5 năm, vào cuối năm 2000). Tuy vậy, một đôi khi, nếu cần thiết, sau HB6, viết thêm: (2006), để giải thích, cho đến khi toàn xã hội đã quen thuộc.
Đó là sự đổi mới tuy nhỏ nhưng trên một bình diện rộng khắp toàn xã hội Việt Nam và tận các vùng có Việt kiều trên toàn thế giới. Hơn nữa, sự đổi mới về lịch pháp ở hai khía cạnh đó, còn có một ý nghĩa về mặt văn hóa, gồm cả văn hóa chính trị, của dân tộc ta: hướng đến xã hội, đất nước, mặc dù không xem nhẹ gia đình, bản thân (thứ bảy mới [chủ nhật cũ] vẫn là weekend). Cho dù thuộc khuynh hướng chính trị và chịu ảnh hưởng văn hóa nào, thì ý thức xem trọng nhân quần, xã hội, Tổ quốc, đặt giá trị Tổ quốc, xã hội, nhân quần trên giá trị gia đình, bản thân vẫn là đạo lí truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, cần gìn giữ, phát huy.
Việc duy trì hai chữ “Chúa nhật” , hay “chủ nhật” , việc xem Chúa nhật là ngày chính, ngày đầu tuần, thực chất là phản văn hóa, gồm cả phản văn hóa chính trị, xét trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống nói chung của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ý niệm thời gian, những dấu mốc lịch sử, những ngày riêng tư đáng nhớ, và chiếc đồng hồ, cuốn lịch gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ…
Tôi nghe thấy từ trong sâu thẳm lịch sử một tiếng gọi quyết tâm, dứt khoát: Đổi mới về dương lịch, tuy nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa lớn lao và nghiêm khẩn.
Tuy chấp nhận hai thứ lịch song song với sự cải cách dương lịch tại Việt Nam như thế, âm lịch (lịch mặt trăng) Việt mới thật là văn hóa thuần Việt, khởi sinh từ địa lí Việt với khí hậu, thời tiết đặc thù rất Việt; cho dẫu có những yếu tố nào đó bị ảnh hưởng Hán – Hoa, cũng đã thuần Việt hóa (7). Tết Nguyên đán mới thật là Tết Việt Nam, đúng vào dịp mùa hoa Việt Nam khai nở, lộc biếc Việt Nam đâm chồi và đất trời Việt Nam hừng nắng mới…
Tôi chợt nhớ tập truyện “Cuống rún chưa lìa” của nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc. Trong đó, thậm chí bi thảm như một cô me Tây, đến ngày Tết cũng trở về cố hương, thắp hương khấn niệm vào đêm ba mươi Tết, lặng lẽ một mình trong một nhà trọ vắng khách. Tết Nguyên đán Việt Nam, đối với những người đáng thương “dưới đáy xã hội” Việt Nam còn thế, nữa là kẻ sĩ, một phần quan trọng của tinh túy Việt Nam nơi đất khách quê người!
Tôi nghĩ rằng, các giám mục, linh mục Việt Nam, vì lòng thương yêu, kính trọng dân tộc mình, sẽ không phẫn nộ về bài viết này.

TP.HCM., ngày đầu năm, năm thứ sáu công nguyên Hòa Bình
(01-01 HB6)
[Ngày 02 tháng chạp, Ất dậu HB6]


TRẦN XUÂN AN
( Tran Xuan An )

_________________________

Chú thích & tham khảo:

(1) Nhật thực, nếu quan sát kĩ, người ta thấy cũng có tròn – khuyết, nhưng nhật thực là hiện tượng ít xảy ra và không theo chu kì.

(2) Thiên Chúa giáo vốn xem ngày Jésus ra đời (giáng sinh) là ngày khởi đầu của “công nguyên Jésus Christ” trên toàn thế giới.

(3) Đào Duy Anh, Hán - Việt từ điển, (in theo phim sao chụp bản in lần thứ ba, Nxb. Trường Thi, 1957), 2 tập in chung, Nxb. KHXH., 2000; (tập 1), tr. 177 & tr. 179. “Theo giáo Cơ đốc, tức là ngày của chúa” . Nhưng ở nghĩa 1: ngày tinh kì. Một tuần gồm 7 ngày gọi là một tinh kì. Tinh kì nhật là “ngày cuối cùng trong mỗi tinh kì” (sđd., tập 2, tr. 285) . Nếu như vậy, cách vận dụng như trên là không ổn (giải thích như thế nào về những ngày kế tiếp: thứ hai, thứ ba…).

(4) Vụ Bảo tồn bảo tàng, Niên biểu Việt Nam, (lời giới thiệu của Trần Văn Giáp), bản in lần thứ tư, Nxb. VHDT., Hà Nội, 1999, tr. 9.

(5) Lê Bá Kế và một nhóm giáo viên, Từ điển Anh – Việt, Nxb. TP. HCM., 1991, tr. 643. Với cuốn từ điển phổ thông này, tôi thấy có khoảng 21 từ ghép với từ tố “sun” (mặt trời). Hầu hết đều có nghĩa từ nghĩa căn bản (mặt trời): tắm nắng, rám nắng, khô cứng dưới ánh nắng, đồng hồ mặt trời, hoa mặt trời (hướng dương), chuyện vặt ngày cuối tuần…
Nhìn chung là không có nghĩa nào gắn liền với Thiên Chúa giáo.

(6) Đào Duy Anh, Pháp – Việt từ điển, bản in lần thứ tư, Nxb. Trường Thi, 1957, tr 450. Một lần nữa, ĐDA. xác định bằng 2 chữ “Chúa nhật” .

(7) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. TP. HCM. 1992, tr. 43 – 46.

Xem thêm: Trần Xuân An, “Sen đỏ, bài thơ hòa bình” , Nxb. Thanh Niên, 2003, tr. 242 – 243; và tại website theo LINK sau đây (xem phần đầu tiết 34):
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/

______________________

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005 ( posted: 01.01.2006 ).


http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_txa-duonglich.htm
[
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_index.htm
]

_________________

Thứ hai (thứ ba cũ), ngày 17-01 HB6 (2006)

Tránh sự vi phạm thể lệ gửi bài đăng trên báo chí, tôi chỉ đăng lại bài viết này của mình trên website cá nhân, sau 15 ngày, kể từ ngày bài đã được đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm.
TXA.

29.12.05

NHỮNG BÀI VIẾT ĐỒNG CẢM, QUÝ MẾN

Tác giả – Tác phẩm:
ĐỜI VẪN CẦN NHỮNG “LÁ XANH” (*) (**)

Nhà văn
Nguyễn Khắc Phê

Trong số không nhiều những tác phẩm dự cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được chọn in, có tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An. Sinh ra ở Thành Nội, Huế từ 43 năm trước, nhưng Trần Xuân An xa Huế dễ đã gần hai chục năm. Vì mưu sinh và vì số phận trôi giạt, chàng sinh viên Huế Trần Xuân An từng lên Tây Nguyên dạy học, rồi trở về làng quê nóng bỏng gió Lào và cát trắng của Quảng Trị, và nay “đứng chân” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng là một cây bút “mới” trong làng văn xuôi như Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết đang gây dư luận, “Cơ hội của Chúa”); chỉ khác là trước đó Trần Xuân An đã là tác giả của bảy tập thơ (“Nắng và mưa” , 1991; “Hát chiêu hồn mình” , 1992; “Tôi vẫn ở trên đường” , 1993; “Lặng lẽ ở phố” “Kẻ bị ném vào bão” , 1995; “Hát với đời ơi thương mến” , 1996; “Quê nhà yêu dấu” , 1998). Có lẽ vì thế tiểu thuyết của anh đậm chất thơ. Đề tài không mới, cũng không là “đề tài lớn” – chuyện ngoại tình của Niên, một thầy giáo trở thành nhà văn, với Cúc Tần, một cô giáo trung học dạy Việt văn, ba mươi hai tuổi, độc thân, xinh đẹp, thông minh, dịu dàng, cũng là “đồng chủ quán” cà phê “Lá Xanh” . “Có một nơi lá mãi xanh” còn là một cuốn tiểu thuyết về một tiểu thuyết: chuyện bản thảo tiểu thuyết đầu tay của Niên từng bị đồng nghiệp xoi móc, “đánh đập”, được viết lại, nâng cao, sau mười năm trải nghiệm cuộc đời của chính tác giả… Và những ngẫu nhiên không thiếu trong cuộc đời đã khiến Niên hội ngộ với những đồng nghiệp từng “đánh đập” anh [trong các cuộc kiểm thảo] ngày trước trong một tình thế khá éo le: cả Cúc Tần và đôi vợ chồng chủ quán “Lá Xanh” đều là người thân ruột rà với cô hiệu trưởng và vị bí thư chi bộ nơi Niên dạy học. Là Cháu ruột cô hiệu trưởng, cô bé Cúc Tần hồi 13 tuổi đã mê mải lén đọc tập bản thảo tiểu thuyết “Những mùa thơ dại” bị “tịch thu”. “Một kỉ niệm buồn đau và buồn cười xảy ra năm anh hai mươi ba tuổi! Chả là, với bản thảo mười tám tuổi, anh dẫu sao vẫn còn ấu trĩ lắm. Sự ấu trĩ còn ở người tịch thu bản thảo nữa. Bây giờ, những tấm lòng đã rộng mở, những con mắt đã sáng hơn, khoan dung hơn… Năm tháng qua đi, những bức xúc cay đắng cũng trở thành kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào. Thời gian có lòng nhân hậu của nó…” (tr. 65) .
Thực ra thì có lẽ không phải nhờ “thời gian nhân hậu” mà chính nhờ cách nhìn đời đôn hậu của tác giả nên cuốn sách, dù nói đến những thành bại, lầm lỗi trong cuộc đời, vẫn có nhiều trang đượm chất thơ, gieo thêm niềm tin yêu vào cái đẹp, vào sự hướng thiện của con người cho bạn đọc.
Những trang viết của Trần Xuân An kĩ lưỡng, tâm lí nhân vật khá tinh tế.
Có thể nói phần nào cuộc đời thăng trầm của tác giả đã được tái hiện trong tác phẩm. Sức cuốn hút của tác phẩm không phải ở tính bạo liệt, gay cấn như một số tác phẩm ăn khách gần đây, mà chính ở nơi “lá xanh”, chính ở vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật – những con ngưởi luôn trăn trở, trung thực đối diện với chính mình để không ngừng hoàn thiện. Xung đột của Niên cũng như Cúc Tần và cả những nhân vật phụ không phải là với kẻ đối địch, mà chủ yếu với chính bản thân mình. Cuộc đấu tranh nội tâm không ồn ào ấy chính là “đất” của tiểu thuyết nhưng đồng thời cũng là thử thách đối với nhà tiểu thuyết. Trần Xuân An đã dám chấp nhận “thử thách”, và đây chỉ là cuốn tiểu thuyết đầu tay (***) của anh. Được biết anh vừa gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai dự cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Hi vọng tác phẩm mới của anh sẽ có những bước thành công mới.

Huế, 8-1999
NGUYỄN KHẮC PHÊ

(*) Đọc tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
(**) Bài viết đã đăng trên Báo Thừa Thiên – Huế, số 1520, ra ngày thứ tư, 22-9-1999; trên Tạp chí Cửa Việt, số 61, tháng 10 năm 1999, tr. 78 – 79.
(***) “Có một nơi lá mãi xanh” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tác giả được xuất bản, nhưng thật ra, bản thảo tiểu thuyết hoàn chỉnh đầu tay của Trần Xuân An là “Mùa hè bên sông” (bản 1997 & bản 2003).
TXA bổ sung thêm 2 chú thích (**) và (***).


____________________________________




Tác giả – Tác phẩm:
ĐI TÌM MỘT CHỐN LÁ XANH
(*)

Nguyễn Tiến Đạt

Trong những năm gần đây Trần Xuân An là một hiện tượng trong giới văn chương – hiện tượng cả trong đời sống và sức viết. Chỉ trong vòng mười năm anh đã cho ra đời bảy tập thơ: “Nắng và mưa”; “Hát chiêu hồn mình”; “Tôi vẫn ở trên đường”; “Kẻ bị ném vào bão”; “Hát với đời ơi thương mến”; “Quê nhà yêu dấu” … và hai tiểu thuyết dự thi giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: “Có một nơi lá mãi xanh” “Mùa hè bên sông” . Phải nói là sức viết của Trần Xuân An như sóng vỗ bờ, miệt mài cùng ngày tháng. Tác phẩm cũng như chính cuộc đời anh phong trần gian khổ trên hành trình đời người.
Ở Trần Xuân An hội đủ yếu tố của con người Miền Trung. Quê Quảng Trị, sinh ra tại Huế, rồi lên dạy học ở Tây Nguyên, bị “choáng”, “sốc” [“va chạm tư tưởng”], lại về quê nhà Quảng Trị cùng vợ may vá kiếm sống, rồi vào Sài Gòn lập nghiệp. Bốn mươi ba năm đi qua đời anh với biết bao nỗi cơ cực bám riết: chiến tranh, bão lũ, bệnh tật, mưu sinh. Ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, dẫu bất hạnh đến cùng cực, từ cơn “choáng”, “sốc”, cho đến khi sống vững chắc ở Sài Gòn, đối với anh, tất cả trước mặt là trang giấy trắng cần phải gieo chữ, cần phải vượt qua. Trần Xuân An đã làm được với tất cả bình sinh của mình. Văn chương cũng như cuộc đời, cái đích của Trần Xuân An tìm đến là lòng nhân bản, là sự cao cả trong đời sống, là phẩm chất kiêu ngạo của con người trước vực thẳm.
Trước khi đến với tiểu thuyết, một lĩnh vực cần huy động tối đa vốn sống, vốn kiến thức thâm hậu, Trần Xuân An là thi sĩ của những miền mây sương trắng, đồng vọng chiều sáo trúc thôn quê với nỗi buồn sâu thẳm, của những cơn đau vùi trong cát, vì thế tiểu thuyết của anh cũng giàu chất thơ, tinh tế, nhạy cảm đường tơ. Tôi đọc “Có một nơi lá mãi xanh” trong men say như thế. Nó có hương vị ngọt ngào và đắng đót như li cà phê năm nào Trần Xuân An ngồi nhấp môi một mình ở Đa Kao trong chiều mưa với nỗi lòng cô quạnh [thương nhớ] cố hương… Không như một số tiểu thuyết gần đây đề cập đến những vấn đề nổi cộm của xã hội, những cơn đau gió chướng thị trường để rồi chiêm nghiệm những triết lí siêu hình, Trần Xuân An tần ngần nhẹ bước vào một thế giới riêng tư của lớp trẻ, tinh tế với từng cảm xúc để rồi khái quát lên một vấn đề lớn hơn, đó là: Con Người.
Câu chuyện của Niên, một nhà giáo, một nhà văn đã có cuộc sống gia đình riêng, đem lòng yêu một cô giáo, cũng là chủ quán cà phê “Lá Xanh”, có cái tên rất thơ mộng : Cúc Tần. Thế nhưng đây không phải là mô-típ [motif] chuyện tình tay ba, tay tư ta thường hay gặp. Trần Xuân An đi vào một quan hệ biện chứng, đó là văn chương và cuộc đời, là hình trình đi đến cái đẹp đích thực đang ẩn hiện trong cuộc sống quanh ta, đôi lúc vô tình ta không nhận thấy để rồi lao phóng kiếp sống theo ảo ảnh. Cô bé Cúc tần mười ba tuổi năm xưa từng mê đắm một tiểu thuyết viết tay và thương thầm nhớ trộm tác giả. Cho đến lúc gặp nhau thì Niên đã có gia đình riêng, và không ngờ do cuốn tiểu thuyết ấy anh bị đày đọa cả đời mình. Thế rồi, trên bước đường sóng gió xô giạt, anh đã gặp lại chính những người đã một thời đày đọa tác phẩm cũng như cuộc đời anh, trong đó có người thân của Cúc Tần. Và chính họ đã nhận ra những giá trị đích thực của tác phẩm. Dù thế nào đi chăng nữa, đối với Niên, tất cả là kỉ niệm, cho dẫu có nhói lòng nhưng trên tất cả vẫn là sự nhân hậu của thời gian, là cái đẹp luôn phải đổi bằng giá của khổ đau.
Mọi xung đột trong tác phẩm dưới bàn tay nghệ thuật của Trần Xuân An được xếp đặt và giải quyết một cách khép léo. Ở đây không có sự đổ vỡ của hạnh phúc mà chỉ là sự vật vã đi tìm hạnh phúc đích thực. Xung đột của vợ chồng Niên chỉ là những đợt sóng để vút lên những thanh âm kì diệu của biển cả. Là một nhà văn, Niên khát khao tìm kiếm cái đẹp, cái cao thượng. Nhiều lúc anh muốn nói to lên, xé rách tấm màn nội tâm vướng víu: “Tác phẩm của tôi, ấy là con đường tôi chọn lựa lâu rồi! Con đường tôi chọn lựa lát bằng những trang sách của đời tôi, những trang sách nhỏ bé mang khát vọng vĩnh cửu. Ai sẽ cùng tôi đi trên con đường riêng đó? … Tôi có quyền đập vỡ rồi ném Cái Nghĩa với trái tim đã nung đỏ thành thỏi sắt vào sọt rác? Con đường của gã đàn ông làm nhà văn mãi mãi là con đường lẻ loi, rất riêng, dẫu đi cùng với ai đi nữa!” (tr. 214).
“Có một nơi lá mãi xanh” là cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết, là cuộc đời và nghệ thuật với những khoảng cách tưởng chừng không vượt nổi, nhưng những điều ta tưởng là khoảng cách ấy lại rất gần gũi thiêng liêng, phải đánh đổi cả đời mình mới giành giật được. Ở đây, ta thấy bóng dáng Trần Xuân An với những đêm thức trắng cùng trang giấy. Cuộc vật lộn trong mỗi bản thân con người trên hành trình hướng thiện được Trần Xuân An thể hiện một cách nhạy cảm, tài tình. Gần như từng nỗi đau, mỗi nếp nghĩ, những rung động nhẹ nhàng anh đều gọi được tên. Mỗi trang sách của Trần Xuân An là mỗi góc cạnh của nội tâm nhân vật, nơi đó có bóng mát tâm hồn tuổi trẻ mang đậm thân phận người đời trước tình yêu cuộc sống. Có thể nói đây gần như là một cuốn tự truyện của Trần Xuân An (***), của những người sống chết cùng trang viết. Trên một nền tảng kiến thức rộng, mọi ngõ ngách được Trần Xuân An hóa giải, mang đậm chất thơ, vì thế dễ đi vào lòng người. Cuộc đấu tranh nội tâm là một đề tài khó của tiểu thuyết; cày xới trên mảnh đất nội tâm ấy là một thử thách lớn, lại được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế và đầy linh cảm như Trần Xuân An là một sự sáng tạo độc đáo. Trong thử thách tiểu thuyết ấy, đã không ít tác giả bị sa vào những chuyện tình nhạt nhẽo, hay lên gân thô cứng.
Với một sức viết mãnh liệt như Trần Xuân An, cần mẫn sáng tạo với từng con chữ, chúng ta có quyền hi vọng ở anh với những thành công mới. Trong thế giới của nhà văn Pautôpxki (Pautovsky), có một con người suốt đời quét bụi cho thợ kim hoàn với mơ ước là một ngày sẽ đúc được bông hồng vàng dâng tặng người yêu. Tôi tin Trần Xuân An là như vậy [,ở ý nghĩa khái quát của hình tượng: Cõi Đời, Lao Động và Con Người].

NGUYỄN TIẾN ĐẠT

(*) Đọc tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
(**) Bài viết đã đăng trên Báo Quảng Trị, số 1012 (cuối tuần), ra ngày thứ sáu, 05-11-1999 (28 tháng 9 Kỉ mão), tr. 5.
(***) Năm đầu tiên của quãng đời giáo viên, TXA. dạy học ở Trường PTCS. Lộc Ngãi, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Xin xem “Ngôi trường tháng giêng” (TXA. chú thích).


________________________________




NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG
& SEN ĐỎ, BÀI THƠ HÒA BÌNH


“Ngôi trường tháng giêng” “Sen đỏ, bài thơ hòa bình”, hai cuốn tiểu thuyết cùng tác giả Trần Xuân An; Nxb. Thanh Niên, 6-2003. Đây là tác phẩm thứ chín và thứ mười của Trần Xuân An sau một loạt thơ, trường ca xuất bản trong vòng mười năm qua. Quê gốc Quảng Trị (sinh năm 1956), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1978), tác giả hiện ở TP. Hồ Chí Minh, đang sức viết mạnh, với 5 bản thảo hoàn tất chờ in: “Mùa hè bên sông” (tiểu thuyết), “Thơ những mùa hương” (thơ), “Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên” (thơ), “Nước mắt có vị ngọt” (tập truyện), “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” (truyện - sử kí, 4 tập).

GIAO HƯỞNG

(Báo Thanh Niên, số 178 (2743), ra ngày thứ sáu, 27-6-2003 (28-5 Quý mùi), tr. 9).


__________________________________




TRẦN XUÂN AN VỚI “MẮT XANH” ĐỌC THƠ (*) (**)

Chu Thụy


Có người đọc thơ như một thú vui, cứ trải lòng ngõ hầu tìm một tri âm bên ngoài độ rung của câu chữ. Có người đọc thơ bằng sự nóng ấm của cảm xúc nhưng vẫn theo một lối bình xét trong tương quan đối chiếu, với tố chất của một nhà phê bình thực thụ. Trần Xuân An, trong “Ngẫu hứng đọc thơ” (*), đã kết hợp nhuần nhị cả hai “cách” ấy: anh chọn những người thân quen, có mối quan hệ riêng để đọc, nhưng là đọc một cách kĩ lưỡng, sâu, đến độ có cảm giác anh đang muốn “tổng kết” cả sự nghiệp viết lách của ai đó…
Không kể hai phụ lục thể hiện sự cảm nhận về thơ lục bát và bàn đến mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận đồng sáng tạo, phần còn lại, với chín tác giả, Trần Xuân An dành hết gần 180 trang sách để giới thiệu, bình xét, tranh luận, giãi bày… về tác phẩm của họ. Đó là thơ Nguyễn Công Bình, Võ Văn Luyến, Nguyễn Tiến Đạt, Phan Văn Quang, Nguyễn Tấn Sĩ, Võ Nguyên, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hà Linh Chi – những người ít nhiều có mối quan hệ thân sơ (thế hệ đàn anh, bạn bè khắp nơi, quê nhà Quảng Trị) của Trần Xuân An. Cách mà Trần Xuân An chia sẻ cảm xúc về thơ kể cũng lạ: với mỗi tác giả, anh phân ra nhiều trường đoạn, mỗi trường đoạn gói ghém một lối tư duy về thơ hay chí ít cũng “nói” về một giai đoạn sáng tác, một chủ đề nổi bật nào đó. Đó là thế mạnh mà Trần Xuân An – một nhà thơ quê gốc Quảng Trị đã xuất bản các tập “Nắng và mưa”; “Hát chiêu hồn mình”; “Tôi vẫn ở trên đường”; “Lặng lẽ ở phố”; “Kẻ bị ném vào bão”; “Hát với đời ơi thương mến”; “Quê nhà yêu dấu” … – đã khai thác đưa vào tập sách mới của mình: “Ngẫu hứng đọc thơ” .
Nhưng điều quan trọng là tác giả đã “đọc” được những gì? Một Nguyễn Công Bình nhiều biểu hiện và thay đổi với “Người gánh bóng mình”, “Lời quả”, “Một người phía chân trời” ; Võ Văn Luyến vẫn đằm thắm, tình tứ qua “Trầm hương của gió” ; nhà thơ quá cố Nguyễn Tiến Đạt sắc sảo, góc cạnh và đầy dự cảm qua “Người đi nhặt cuội”, “Khúc hát tình tang” ; Phan Văn Quang gắn liền với “trường phái phong trần” nên thơ có chỗ bướng bỉnh, sâu; Võ Nguyên, cây bút văn xuôi đang muốn khẳng định mình ở địa hạt thơ; Hà Linh Chi bộc trực, “lì lợm” trong thơ như bản tính ngoài đời… Mỗi tác giả, Trần Xuân An có giọng viết không hề giống nhau; nhiều chỗ khiến độc giả xúc động bởi những kĩ niệm cũ được nhắc lại.
Nhưng phải đến phần phê bình thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì Trần Xuân An mới thật sự thể hiện rõ nhất năng lực tư duy trong phê bình thơ. Không phải với những nhà thơ này Trần Xuân An đã lược bớt đi những cảm xúc riêng tư, mà là cách anh xâu chuỗi cảm nhận, thậm chí mạnh dạn tranh luận. Với thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Xuân An tự tin “chia” thành từng phần hợp lí, sáng tạo về cấu trúc ( “tình yêu đương”, “lính giải phóng” trong “Mặt trời và cơn khát”; “xuân”, “xanh”, “cõi sống”, “cứu láng giềng” trong “Lời hát khẽ” ). Với Tần Hoài Dạ Vũ (tức nhà văn Nguyễn Văn Bổn, quê gốc Quảng Nam, thầy dạy học của Trần Xuân An hồi lớp 10), anh đã sáng tạo khi “chiết tự” bút danh “Tần Hoài Dạ Vũ”, để dẫn đưa độc giả về lối cảm nhận của mình. Từ tứ thơ trong bài “Bạc Tần Hoài” (Bến sông Tần Hoài) của Đỗ Mục đời Đường – Trung Quốc mà chính Nguyễn Văn Bổn từng có ý khi chọn bút danh, Trần Xuân An quả quyết rằng thơ của tác giả này cũng chia ra làm hai mảng: “Tần Hoài” (tâm trạng của người dân mất nước theo điển cố, tức thơ phản chiến) và “Dạ Vũ” (mưa đêm, tức thơ yêu đương). Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường? Trần Xuân An đã “ngạc nhiên” với việc nhiều nhà phê bình ít nói về mảng thơ kháng chiến của nhà văn, nhà thơ họ Hoàng Phủ, và anh bắt đầu khai thác sâu hơn theo hướng này. Tất nhiên, cuối cùng Trần Xuân An vẫn phải quay về với những bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy hình ảnh, được nhiều người chuyền tay, được phổ nhạc… nhưng cách “đặt vấn đề” ban đầu như thế đã gây sự chú ý. Một thủ thuật trong phê bình chăng?
Rất có thể, Trần Xuân An đã tốn nhiều thời gian nghiền ngẫm thơ và theo dõi nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau của các nhà thơ ấy. Vì thế, càng đọc “Ngẫu hứng đọc thơ” , tôi càng thấy Trần Xuân An quả có “mắt xanh” – đọc vừa có nghề, có lửa, lại sâu sắc, tinh. Cách chọn dẫn chứng thơ thật sát cho từng bài viết, lấy ra được cái thần ở mỗi nhà thơ, của Trần Xuân An khiến người đọc thi thoảng giật mình, dù họ cũng đã đọc phần lớn những tác giả mà anh chọn để phân tích. Khi giới thiệu về Tần Hoài Dạ Vũ, anh đã không thể bỏ sót bài “Chiều mưa uống rượu” mà nhiều lần tôi nghe học trò của nhà thơ vẫn ngâm nga mỗi khi có dịp. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vẫn “Bài ngâm đùa chơi”, “Về chơi với cỏ” … ; Phan Văn Quang với “Hoang mang” khá quen thuộc (“Bên suối lặng mình soi đáy nước / Trong trời chiều sinh động hai ta / Bóng nhìn ta và ta nhìn lại / Giữa thinh không hai đứa khóc òa”)
Cũng phải nói rằng, nhiều chỗ Trần Xuân An đã để cho cảm tính lấn át những phân tích sắc sảo vốn được anh khởi đi ngay từ đầu trang viết (thế mới là “ngẫu hứng” chăng?). Nhưng có thế nào anh cũng kịp cho độc giả của mình sự cảm nhận độc đáo của mình. Nếu với thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Tiến Đạt, Tần Hoài Dạ Vũ, Hà Linh Chi… bạn từng có cách cảm nhận riêng, thì hãy đọc thêm “Ngẫu hứng đọc thơ” để biết rằng đã có một người nữa cảm nhận rất khác, rất trải lòng và đôi chỗ thành thực đến thái quá…

CHU THỤY

(*) Đọc “Ngẫu hứng đọc thơ” , phê bình thơ, tập sách của Trần Xuân An, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2005. Bài đã đăng trên Báo Quảng Nam, số 1694 (4916), cuối tuần, ra ngày thứ bảy, 08-10 – chủ nhật 09-10-2005.
(**) Cảm ơn hai bạn Nguyễn Đăng Chín - Hồ Thị Nguyệt Thanh đã gửi tặng tờ báo này. TXA.





___________________________________________


NHỮNG BÀI, NHỮNG MỤC VÌ CÓ TÍNH CHẤT TRAO ĐỔI NHẤT THỜI HOẶC THƯ TÍN RIÊNG TƯ, như đã thông báo từ rất nhiều tháng trước, ĐÃ ĐƯỢC LƯU GIỮ VĨNH VIỄN, TUY KHÔNG HIỂN THỊ.

Xin xem danh mục vốn có của trang phụ 1 như sau:



Date Post Title

2/05/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI TRUY CẬP
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/20/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : THƯ GỬI NHÀ VĂN NGUYỄN QUÝ ĐỨC (có bổ sung)
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/11/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE :TÌM GIÚP BẢN XẾP CHỮ VI TÍNH BẢN THẢO BỊ “THẤT LẠC”
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/09/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : TẠP CHÍ GIAO ĐIỂM CHÍNH THỨC LÊN TIẾNG
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/08/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : CẦN LÀM RÕ THÊM “ĐÔI ĐIỀU CẦN LÀM RÕ”
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/08/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : TẠP CHÍ GIAO ĐIỂM ĐÃ ĐĂNG TẢI "ĐỀ NGHỊ TRẢ LỜI CÔNG KHAI ..." & "ĐIỀU CẦN LÀM RÕ"
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/07/2006 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : ĐỀ NGHỊ TRẢ LỜI CÔNG KHAI ĐIỀU CẦN LÀM RÕ TRÊN BÁO CHÍ
Phan Huyên Đình Draft Delete

1/03/2006 Edit HÒA BÌNH 6 ! CHÀO MỪNG & ƯỚC VỌNG
Hiển thị vĩnh viễn.

Phan Huyên Đình View Delete

12/31/2005 Edit Draft / forever / DON'T DELETE : TÌM KIẾM QUA MSN, GOOGLE, YAHOO SEARCH ...
Phan Huyên Đình Draft Delete

12/29/2005 Edit NHỮNG BÀI VIẾT ĐỒNG CẢM, QUÝ MẾN
Hiển thị vĩnh viễn.

Phan Huyên Đình View Delete


KÍNH MẠN PHÉP LƯU GIỮ Ở PHẦN "DRAFT", VÌ KHÔNG CÓ NƠI NÀO THUẬN TIỆN HƠN.

KHI CẦN THIẾT, CÓ THỂ NHANH CHÓNG CHO HIỂN THỊ NHỮNG BÀI, NHỮNG MỤC NÀO ĐÓ, TUỲ THEO YÊU CẦU.


Trân trọng và thành thật biết ơn.
TXA.

20 : 49', 02-12 HB6 (2006).














___________________________
___________________________


LINKs: NƠI LƯU NHỮNG TỆP THÔNG TIN VỐN HIỆN HỮU Ở 3 TRANG PHỤ NÀY TRƯỚC NGÀY 02-12 HB6 (2006)

Vui lòng đừng bấm vào những links dưới đây, bởi ở 3 trang web/docs, theo các đường dẫn ấy, hầu hết là những tệp thông tin trao đổi nhất thời và những thư tín cá nhân. Ngoài ra, cũng có những bài viết đích thực là tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê bình hoặc bài báo) của các nhà văn, nhà báo Nguyễn Khắc Phê, Giao Hưởng, Nguyễn Tiến Đạt, Chu Thụy, của Ban Việt ngữ BBC, của Trần Xuân An, những bài đó đã và sẽ ở dạng hiển thị vĩnh viễn, trên 3 phụ trương (phụ lục) hoặc ở các trang web khác thuộc Web. này.

Thành thật cảm ơn.



07-12 HB6 : TRANG PHỤ 1:

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_29fvb2vm (changed link)
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_29fvb2vm (changed link)

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_68hfrrs2
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_68hfrrs2

07-12 HB6 : TRANG PHỤ 2:

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_41dwgtx5
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_41dwgtx5

07-12 HB6 : TRANG PHỤ 3:

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_51gc7fs5
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_51gc7fs5


11 : 31' & 14 : 50, ngày 07-12 HB6;
6 : 39', ngày 08-12 HB6 (2006)
tại TP.HCM., Việt Nam

TXA.